Lượt xem: 385

Thu nhập tốt nhờ kết hợp nuôi nhiều loại thủy sản

Chỉ với diện tích ao một ngàn mét vuông nhưng ông Nguyễn Văn Khánh, Khóm 2, Phường 5, thành phố Sóc Trăng đã kết hợp nuôi nhiều loại thủy sản như: Cá lóc, cá tra, cá rô và ếch thịt thương phẩm trong cùng một ao nuôi. Thông qua hình thức nuôi trên, giúp giảm chi phí về thức ăn, hạn chế dịch bệnh trên thủy sản, đặc biệt là góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích ao sản xuất.

 


Ông Nguyễn Văn Khánh, Phường 5, thành phố Sóc Trăng khoe số cá rô nuôi kết hợp với ếch thương phẩm bên trong vèo lưới, bên trong diện tích ao nuôi 1.000m2 đang sinh trưởng tốt. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Để tận dụng tối đa diện tích ao nuôi của gia đình, vì diện tích đất không được nhiều, ông Khánh đã tự “thiết kế” mô hình nuôi thủy sản kết hợp với nhiều loại giống thủy sản nước ngọt khác nhau. Điểm đặc biệt là các loại thủy sản này đều có chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định và thức ăn cho chúng có thể dễ dàng tìm được trong tự nhiên. Theo lời của ông Khánh, diện tích ao vườn nuôi thủy sản trước đây vốn là ruộng lúa, do diện tích đất ít nên nguồn thu nhập sau mỗi mùa vụ canh tác lúa không được tốt. Vì vậy, ông quyết định chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái và dành diện tích đất một ngàn mét vuông đào ao thả cá. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã nuôi cá, nuôi ếch thương phẩm hơn 10 năm đã giúp cuộc sống gia đình ấm no và sung túc hơn.

    Trong diện tích ao nuôi một ngàn mét vuông, ông Khánh thả nuôi cá lóc và cá tra trực tiếp xuống ao. Riêng cá rô và ếch được nuôi chung trong vèo lưới và cũng trong ao nuôi đó. Vèo lưới nuôi cá rô và ếch được vây kín cẩn thận, tránh ếch thoát ra bên ngoài. Bên trong vèo, ếch được nuôi ngăn cách với cá rô bằng tấm vỉ làm bằng kẽm. Hình thức nuôi như vậy tiết kiệm lượng lớn nguồn thức ăn cung cấp hàng ngày cho cá rô, bởi khi cho ếch ăn bên trên, thức ăn lọt qua khe hở của tấm vỉ xuống phía dưới cho cá. Cùng với đó, là phân ếch thải ra mỗi ngày trở thành nguồn thức ăn cho cá rô; do đó, việc nuôi ếch và cá rô chung vèo giảm hơn 50% lượng thức ăn cho cá rô ăn. Đồng thời, khi nuôi cá rô bên dưới, nuôi ếch ở trên chung vèo, góp phần bảo vệ tốt môi trường của cả ao nuôi, bởi phân ếch thải ra mỗi ngày cá rô đã xử lý hết lượng chất thải đó, nên nguồn nước trong cả ao nuôi luôn sạch sẽ.

    Đối với con cá lóc và cá tra nuôi bên ngoài vèo, nhằm hạn chế thức ăn công nghiệp hằng ngày ông Khánh tự đi kéo cá mồi ở trên các con kênh, rạch được từ 20 kg - 40 kg cho cá ăn. Ngoài ra, ông Khánh còn đi xin cặn cơm cho cá ăn thêm, nhờ đó giảm chi phí tiền thức ăn, cá sau thu hoạch có thịt chắc, thơm ngon, giống như cá sống ngoài tự nhiên nên thương lái họ rất ưa chuộng, đầu ra của con cá nuôi tại hộ ông Khánh rất tốt.

    Ông Nguyễn Văn Khánh bộc bạch: “Tôi nuôi cá lóc, cá tra, cá rô quanh năm, hết đợt cá này sẽ thả nuôi đợt cá tiếp theo. Cá, ếch thường xuống giống vào tháng 4 âm lịch. Riêng với con cá lóc thời gian nuôi là 6 tháng mới thu hoạch được, cá nuôi 2 đợt/năm, tổng sản lượng cá thu về hơn 3 tấn/năm, giá bán 40.000 đồng/kg. Còn cá rô và ếch nuôi từ 2,5 - 3 tháng sẽ thu hoạch, sản lượng hai loại thủy sản trên ước hơn 1 tấn/năm. Đối với cá tra, nuôi 12 tháng mới xuất bán, cá tra nuôi 1 đợt/năm, sản lượng cá thu về khoảng 1 tấn, giá bán 22.000 đồng/kg. Với số lượng các loại cá và ếch nuôi thương phẩm trên cùng diện tích ao cho thu nhập hơn 130 triệu đồng/1.000m2 ao nuôi/năm. Số tiền trên lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác lúa diện tích 1.000m2/năm. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì mô hình nuôi thủy sản kết hợp và tăng số lượng thả nuôi cá, ếch khoảng 30% nhằm tăng thêm thu nhập tại hộ”.

    Đồng chí Huỳnh Bảo Quốc - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Đối với hộ dân có diện tích ao nuôi thủy sản nhỏ, thì việc kết hợp nuôi các loài thủy sản như hộ ông Nguyễn Văn Khánh rất hay và hiệu quả. Tuy nhiên, việc kết hợp nuôi theo hình thức trên, hộ nuôi phải chú ý đến từng đặc tính của loài thủy sản nuôi kết hợp, nhất là giống thủy sản phải phù hợp điều kiện môi trường, thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, mật độ thả nuôi phải vừa phải, thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong ao nuôi, quan sát dịch bệnh trên thủy sản, kịp thời phát hiện phòng trị bệnh để các loại thủy sản nuôi đạt sản lượng và chất lượng sau thu hoạch. Từ mô hình nuôi thủy sản kết hợp, đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ ông Khánh, chúng tôi sẽ phổ biến, nhân rộng đến hộ dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, có điều kiện phát triển mô hình để tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 377
  • Trong tuần: 70,804
  • Tất cả: 11,802,811